1, Anh là một giáo viên thể dục trường tiểu học, anh gặp cô trong câu lạc bộ văn hóa thể thao một huyện miền núi. Cả hai cùng sinh ra và lớn lên tại đây, tiếng sáo pí của anh đã làm say mê không biết bao nhiêu cô gái. Nó say đắm ngọt ngào, có nét gì đó phiêu bồng mà điêu luyện. Thật ra anh cũng ít khi thổi sáo, nhưng không hiểu sao tiếng sáo của anh lại lan truyền xa tới vậy. Anh mê cô bởi cô không chỉ đẹp, duyên dáng mà còn cả điệu hát khắp mà anh yêu thích, nét truyền thống mà anh luôn cảm nhận trong máu của mình. Họ có một tình yêu đẹp, một lễ cưới giản dị và sau đó là một đứa con gái. Anh không phải type nghệ sĩ hoàn toàn, cũng chẳng phải một người quá nhanh nhẹn hay thực dụng, với công việc giáo viên thể dục mang lại thu nhập khá thấp. Nhưng được cái chịu khó vun vén gia đình và nhà cửa nên mọi thứ ở mức tạm ổn. Bệnh tật đã mang cô đi khỏi anh khi đứa con gái của họ còn chưa tròn một tuổi. Từ đó người ta thấy anh không còn thổi sáo nữa, tiếng sáo pí tình yêu này đâu còn dành cho ai. Trên khuôn mặt anh chỉ còn lại những nét cứng rắn và mạnh mẽ, kèm thêm và chút gì đó khắc khổ thoáng qua. Đó là một đêm mùa đông trên bản cao rất lạnh, giữa rừng núi yên tĩnh a lại thổi sáo, tiếng sáo dài da diết vang vọng giữa đêm như càng được cộng hưởng đi xa. Ngoài kia, có cơn gió khẽ lay những cành cây xơ xác lá trước hiên nhà.
2, Bà sinh được hai người con, ở cái tuổi 60 này nhiều người đã có thể vui thú tuổi già, nhưng bà vẫn thường làm lụng những công việc khá vất vả. Người con trai của bà vào tận trong Nam lập nghiệp rồi xây dựng gia đình tại đó, người con gái thì lấy chồng cách nhà khoảng 20km. Cả 2 điều kiện kinh thế đều thuộc lại bình thường nên hầu như chẳng phụ giúp được bà nhiều. Chỉ thỉnh thoảng cô con gái mới có thời gian ghé thăm mẹ và mua vài mớ rau, lạng thịt. Mùa đông về, nước cạn cả con sông khá lớn trước nhà, những cánh đồng cũng nứt toác, vài gốc rạ trơ kèm những vài rài lúa ngắn ngủn và khô cằn. Bà vẫn nuôi vài ba con lợn như bao đời nay của các làng bắc bộ. Phía trước nhà có cái ao bà vẫn thường vớt bèo cho lợn, nước cạn, bèo lại xơ xác với những chùm rễ dài ngoằng vì thiếu chất. Cánh bèo nửa xanh nửa đỏ úa, có chút gì đó chầm chậm buồn buồn trong cánh bèo như chính cuộc đời bà vậy.
3, Ông là người trông coi thư viện huyện. Gọi là thư viện nhưng nó được xây 2 tầng, từ rất lâu với tầng một là báo chí và các tài liệu, tầng 2 là kho truyện tranh khổng lồ. Và đây mới chính là nơi khiến thư viện này luôn nhộn nhịp bao năm. Thư viện nhìn ra một hồ nước lớn, phía trước là khoảng sân với cây xà cừ có đường kính lên tới hai ba mét. Vào những năm trước, trước khi internet phổ cập, hầu như chiều nào thư viện này cũng kín đặc những cô câu học sinh say mê những nét vẽ đến từ nước Nhật. Gió mát, dưới tán xà cừ lao xa bên mặt hồ nước thật thanh bình. Ông gắn bó với thư viện này có đến 20 năm, mùa đông về nên trời nhanh tối, mới chỉ 5 giờ mà đã chẳng còn khách nào, ông sắp xếp lại mấy bộ truyện cũ mới, có cuốn đã sờn cả gáy. Bất chợt một cảm giác gì đó man mác buồn và tiếc nuối trong ông, ông ngừng tay. Ông nhìn ra xa, hồ nước vẫn phẳng lặng, tán cây vẫn xanh tươi, trầm ngâm hồi lâu ông lặng lẽ khóa cửa và trở về nhà trên chiếc xe đạp cũ. Ông cảm giác mình thèm khát một cảm giác gì đó, một sự thèm khát khó tả.
4, Ông là một người khéo léo và chăm chỉ. Cần mẫn với công việc thợ mộc bao năm ông cũng tích cóp và xây được một căn nhà ngói 3 gian, ngày mà căn nhà đó là mơ ước của đại đa số các nhà trong làng. Ông cảm thấy tự hào và nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với nó cả đời. Thời gian trôi qua, căn nhà đáng tự hào ngày nào bỗng trở nên lụp sụp so với rất nhiều những căn nhà mới cao tầng mọc lên. Mái ngói đã phủ rêu, kèo gỗ lim đã nhuốm màu thời gian. Ngay cả sân gạch đỏ trước nhà cũng đã xuống màu trông thấy, vài cây cau lâu năm ngày càng cao và xơ xác. Có những thứ đã định rằng sẽ là cả đời, nhưng đâu cần đến 10 năm mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Cậu con trai cả ông là một người thành đạt, cậu quyết định sẽ dỡ bỏ căn nhà cũ và xây một biệt thự mới cho bố mẹ. Hôm nay tốt ngày, người ta thi công, từng viên ngói được lỡ dần xuống để lộ ra bộ kèo gỗ mà chính tay ông làm ngày xưa. Ông cứ đứng trầm ngâm tới khi viên ngói cuối cùng được đưa xuống. Bỗng “chát” một tiếng, một viên ngói vỡ do sự bất cẩn của nhóm thợ xây. Ông giật mình, ông hoảng hốt và xót xa. Có cái gì đó khó tả trong ông, căn nhà gắn với tuổi trẻ, với vợ và những đứa con. Có tiếng cậu con trai gọi: “Bố đứng lui ra kia để người ta tháo nốt mấy cái dầm xuống kẻo vướng”.
Xa xa ngoài kia chợt văng vẳng câu hát ru:
“À á ru hời, ơ hời ru…
Mẹ thương con có hay chăng,
Thương từ khi thai nghén trong lòng.
Mấy nắng sớm chiều mưa ròng.
Chín tháng so chín năm
Gian khó tính khôn cùng…”
Hoài Phong