Nội dung
Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta không già đi, không mắc bệnh, không chết. Nhưng rồi, điều đó sẽ đến với tôi, với bạn, với Bill Gates, với Donald Trump, và nó đã đến với Steve Jobs. Không ai thoát khỏi quy luật đó. Cuộc sống nhanh như hơi thở, vài cái chớp mắt đã thấy tuổi trẻ đi qua, vài lần ho sặc cũng có thể kéo đến những ngày cuối cùng.
Và những gì còn lại cho mỗi chúng ta – thứ duy nhất thuộc về riêng ta – chính là cảm xúc.
Đi suốt một cuộc đời, thực ra cũng chỉ để tích lũy trải nghiệm với đủ mọi cung bậc: vui, buồn, tiếc nuối, hân hoan, đau đớn.
Nếu mai này gặp Diêm Vương, ít nhất cũng có cái để kể. Hành trang cảm xúc – nên chuẩn bị kha khá một chút.
Giới hạn của hạnh phúc
Vật chất, theo thời gian, có thể tăng không ngừng:
Từ đi bộ sang xe đạp, rồi xe máy, ô tô, máy bay… Cái mới sau bao giờ cũng vượt trội cái cũ.
Nhưng cảm xúc thì không như vậy.
Đã bao giờ bạn tự hỏi:
Liệu một người sống thời hiện đại có hạnh phúc hơn người sống cách đây 500 hay 1000 năm?
Bây giờ bạn có thể dùng điện thoại thông minh, sống trong nhà có điều hòa, máy giặt, đi xe ô tô có điều hòa, ngồi máy bay đi du lịch, ăn những món từng chỉ dành cho vua chúa.
Nhưng liệu bạn có cảm thấy “sướng hơn” một nông dân nhà Lý ngày xưa khi thu hoạch xong vụ mùa?
Rõ ràng là không.
Cảm xúc có giới hạn. Vật chất thì không.
Và chúng ta đang chạy theo cái vô hạn để phục vụ một thứ hữu hạn.
Khi sự nâng cấp không còn tạo ra khác biệt
Bạn còn nhớ cảm giác lần đầu có chiếc xe Wave Alpha?
Có thể lúc đó nó làm tim bạn đập rộn ràng.
Nhưng rồi đến khi bạn sở hữu một chiếc SH đắt gấp chục lần – cảm xúc đó đã vơi đi.
Chiếc iPhone 3GS từng khiến bạn thao thức, nâng niu, còn giờ iPhone 13, 14, 15 – có lẽ chỉ mở hộp và bỏ túi.
Một dàn loa 15 triệu – nghe nhạc thấy đã.
Dàn 50 triệu – cảm nhận rõ nét hơn.
Dàn 500 triệu – hoàn hảo.
Nhưng rồi dàn 5 tỷ, 10 tỷ – có còn làm bạn xúc động hơn không?

Đến một lúc, vật chất nâng cấp bao nhiêu cũng không tạo thêm được cảm xúc.
Bởi nó chạm đến giới hạn rồi.
Tương quan giữa hạnh phúc và thu nhập
Không có tiền thì khó mà hạnh phúc – đó là điều không cần bàn.
Nhưng từ một mức nào đó trở đi, tiền bạc càng nhiều, cảm xúc càng ít thay đổi.
Cảm xúc tuyệt vời nhất không đến từ giá trị tuyệt đối, mà đến từ sự so sánh với cộng đồng xung quanh.
- Một sinh viên nghèo mua được điện thoại cũ có thể vui hơn một doanh nhân thay iPhone đời mới mỗi năm.
- Thu nhập 3.000 USD/tháng ở Việt Nam là điều tuyệt vời, nhưng ở Mỹ lại khiến bạn chật vật.
- Ở trường chuyên, bạn giỏi – nhưng nếu xếp cuối lớp, bạn không vui bằng một học sinh top đầu ở trường làng.
Cảm xúc không phụ thuộc vào giá trị tuyệt đối, mà nằm ở vị trí tương đối.
Thay đổi từ bên trong
Dù bạn sở hữu bao nhiêu vật chất, bạn cũng sẽ dần “trơ cảm xúc” nếu chỉ chờ đợi chúng mang lại hạnh phúc.
Muốn cảm xúc trở lại – không phải tiếp tục nâng cấp vật chất, mà là thay đổi tâm thế đón nhận.
- Một bản nhạc vang lên trong xe bus cũ kỹ có thể làm bạn xúc động hơn dàn loa tiền tỉ – nếu nó đúng tâm trạng.
- Cảnh hoàng hôn trên cánh đồng quê có thể khiến bạn lặng người – hơn cả resort biển năm sao.
- Một ly cà phê ngồi lề đường cùng bạn cũ có thể giá trị hơn mọi bàn tiệc khách sạn.
Cảm xúc không nằm ở thứ bạn đang có – mà ở cách bạn đang sống.
Đừng quên tận hưởng những điều nhỏ
Món ăn ngon không thể ngon hơn mãi.
Nhà cửa tiện nghi cũng chỉ đến mức đó.
Chiếc điện thoại đắt tiền – niềm vui nhiều khi chỉ kéo dài… ba ngày.
Tại sao ta cứ mải mê nâng cấp vật chất, mua nhà to, xe đẹp, sắm đồ mới – để thỏa mãn chính mình?
Rất dễ hiểu – vì ai cũng từng như vậy, cả tôi cũng vậy.
Nhưng đó là cuộc đua không có vạch đích. Không ai thắng, chỉ có mệt.
Có khi, một cốc bia hơi chiều hè, hay tiếng cười trong bữa cơm đạm bạc lại đáng giá hơn cả chai rượu ngàn đô.
Kết lại
Rồi một ngày, tất cả chúng ta sẽ về bên kia thế giới.
Câu hỏi không phải là bạn đã có bao nhiêu tiền, bao nhiêu đồ đắt tiền.
Chỉ cần biết rằng – bạn đã từng sống rất vui, từng rất nhiều cảm xúc, từng thật sự rung động với cuộc sống này – vậy là đủ rồi.
Tôi đã dừng tích lũy tiền từ lâu. Giờ tôi chỉ tích lũy niềm vui. Hành trang đó, là tất cả những gì tôi muốn mang theo.
— Hoài Phong
Ngu'
Những phát hiện của anh Hoài Phong thật thú vị, có thể anh đã có tích lũy kiến thức từ những người đi trước, cũng có thể đó là sự tự trải.
Khi em đọc những gì anh viết, thì những điều này em đã được đọc từ 1 người còn hay hơn rất nhiều, nhưng lại có hệ thống và được khẳng định tới 2500 năm
Người này được sinh ra từ thời mà con người còn mê tín dị đoan, khi ngài khám phá ra chân lý trong điều kiện khó khăn vậy thì đó là 1 điều tuyệt vời
Người em nói chính là Đức Phật!