Có lần tôi từng viết, cuộc sống này không có khổ đau. Mọi chuyện vốn dĩ chỉ là những bánh xe trong một hành trình lớn. Nhưng nếu nói rằng cuộc sống này đầy rẫy những khổ đau thì cũng không sai lắm. Vậy tóm lại có khổ đau hay không?
Tôi từng viết về giới hạn của cảm xúc, nhưng cần nhắc lại rằng không chỉ vui mà cảm giác buồn & đau cũng có giới hạn. Hiểu như sau, đối với niềm vui thì bạn có thể ngồi kể ra 100 việc khiến minh vui, các ước mơ, nguyện vọng làm cho mình sung sướng, hạnh phúc. Nhưng dù là 100, 1000 hay bao nhiêu đi nữa, cảm xúc kia cũng chỉ có một giới hạn. Đối với những bi kịch: Cũng không khó để kể ra cả trăm bi kịch: Nhẹ nhàng thì là mất tiền, nặng hơn là ốm đau bệnh tật, sinh ly tử biệt, nói chung là đủ thứ ưu phiền. Nhưng cái “cảm giác” đau đớn nó cũng bị giới hạn trong một mức.
Có những người đã chọn cái chết khi giới hạn của nỗi đau lớn hơn giới hạn chịu đựng của bản thân. Chúng ta sẽ không phán xét về quyết định cá nhân đó, bởi giới hạn ở mỗi người khác nhau. Có người coi đó mới là chuyện vặt, có người đã thấy tất cả sụp đổ. Bạn có thể thấy điều này từ cách hành động của một người khi bị bạn gái bỏ, có người thậm chí không biểu lộ cảm xúc dù lòng đau đớn. Có người mượn rượu giải sầu, có người lên mạng xã hội chửi bạn gái và có người thì đi nhảy cầu.
Nhiều năm nghiên cứu và chiêm nghiệm, tôi đi đến một quan điểm rằng:
Mọi sự việc trên đời chỉ như dòng nước chảy, thái độ nhìn nhận của ta đối với vấn đề mới quyết định sự sung sướng hay khổ đau, và mức độ của nó.
Cũng như ví dụ bạn gái bỏ, còn hàng ngàn thứ khổ đau khác chúng ta có thể phải đối mặt:
- Thua lỗ tiền bạc trong đầu tư làm ăn
- Bản thân mình mắc bệnh, suy giảm sức khỏe
- Vợ con, cha mẹ, những người thân yêu có vấn đề sức khỏe.
- Những điều không như ý trong cuộc sống: bị đối xử không đúng hay thậm chí là tù tội, oan ức
- …
Với những điều đã kể ở trên, nó vừa xa vừa gần. Nó có thể đến bất cứ khi nào với bất kỳ ai trong chúng ta. Tôi đã nghiên cứu tâm lý con người khi gặp những vấn đề được gọi chung là “khổ đau”:
- Giai đoạn buồn bã / chống cự
- Giai đoạn buông xuôi chấp nhận
- Giai đoạn suy nghĩ hoặc tiếc nuối
- Giai đoạn thả trôi hoặc giải thoát
Hãy hình dung với một người đi tù, phải xa rời mọi thứ làm quen với nền xi măng, cụp pha bó gối. Sự thay đổi quá shock, cảm giác căm phẫn, cay cú chống cự hoặc đau buồn cực độ sẽ diễn ra ở giai đoạn này. Nhưng khả năng nổi bật của loài người chính là thích nghi, không mất bao lâu để chuyển qua giai đoạn chấp nhận. Ở giai đoạn này cũng là lúc tinh thần tích cực nhẹ nhàng nhất, họ thậm chí không cảm thấy chút khổ đau nào dù hoàn cảnh vẫn vậy. Nhưng liều thuốc tinh thần kia chắc chắn không duy trì được dài, khi sự thật vẫn là sự thật. Phải quay lại đối mặt với vấn đề, tâm lý chấp nhận đã xoa dịu phần nào cảm giác nhưng họ bắt đầu nghĩ nhiều, buồn bã. Và giai đoạn cuối chính là mấu chốt, thái độ đối mặt của một người ở giai đoạn cuối cùng sẽ quyết định cánh cửa tiếp theo mà họ sẽ bước tới.
Bạn có thể thấy tâm lý chung đều diễn biến như vậy, trong một đám tang, một căn bệnh hiểm nghèo v.v. Tôi chia sẻ với bạn điều này vì tôi tin rằng cả bạn và tôi rồi sẽ có lúc phải đối mặt với những nỗi đau kia.
Chúng ta phải mạnh mẽ? Chúng ta phải biến đau thương thành hành động? Không. Cần tư duy rất rõ ràng như sau:
- Những gì xảy ra thuộc về quá khứ, chúng ta không thể thay đổi nó và phải chấp nhận nó.
- Những hành động của tương lai là độc lập, nó xuất phát từ vị trí hiện tại.
Tức là chúng ta không thể nào mọc thêm chân sau tai nạn, vợ cắm sừng đâu thể nào cưa? Tiền bạc đã mất cũng là tiền bạc đã mất, bạn có kiếm ra rất nhiều tiền tiếp theo, đó vẫn là “kiếm mới” từ hiện tại, không hề có “kiếm lại” gì cả.
Biết được 2 vấn đề:
- Cảm giác đau có ngưỡng giới hạn
- Thái độ quyết định cảm giác
Bạn biết đấy, đi tù được coi là một trong những cảm giác đày đọa nhất cuộc đời. Thử xem clip dưới đây, nhìn tâm trạng của họ, có khi còn đang tốt hơn bạn. Vậy bạn cần thay đổi:
Khi rơi vào những gì đau đơn nhất, chỉ đơn giản thay đổi thái độ của mình. Thay đổi như thế nào, hãy tỉnh táo lại mà nhìn vào thực tại. Tâm trạng của bạn đang vượt quá những khổ đau của bạn đấy. Tất nhiên bạn đang không vui vẻ gì, nhưng so với những đau đớn ngoài xã hội nó to tát lắm sao? Bạn đau 1 thì sẽ có 100 người khác đang đau 2, đau 3, 4 5. Hãy thật thức tỉnh, hãy để dành sự đau buồn, khốn khổ kia có những điều xứng đáng. Hành tranh cuộc đời bị giới hạn bởi thời gian, hãy để niềm vui nó nhiều một chút dù ở hoàn cảnh nào đi nữa. Tôi không cấm bạn buồn, những hãy buồn vì những điều thật “đáng”.
Nhìn kìa, ngoài kia nắng vài đang chảy từng giọt, một cánh phượng rơi giữa nắng chiều hè.
Hoài Phong
hoanbdsc
Cảm ơn Hoài Phong luôn là những điều ý nghĩa.
Phúc Lập
Thật ý nghĩa nó như soi sáng đầu óc mình vậy, cảm ơn bạn rất nhiều về bài viết.