Nếu bạn đang bị khủng hoảng tài chính cá nhân, mà không từ nguyên nhân khách quan như ốm đau, tai nạn thì chắc chắn bạn đã sai trong quản lý vốn. Sự sai lầm của bạn khiến bạn lâm vào hoàn cảnh khốn đốn thậm chí bế tắc. Hãy cùng học cơ bản nhất, đơn giản nhất về quản lý vốn trong cuộc sống nhé.
Hãy hiểu đơn giản nhất của quản lý tài chính là chi bao nhiêu tiền cho một việc, một hành động.
- Đánh đề không sai nếu bạn chỉ đánh 1 lần, bằng 200K. Chỉ là nửa ngày lương.
- Cho bạn mượn rồi bị bùng cũng không khốn khổ nếu bạn chỉ cho mượn 6 tháng lương.
- Mua Bitcoin, ETH hay kể cả đu đỉnh các coin đa cấp (MLM) cũng chẳng sai nếu bạn chỉ bỏ ra số tiền cho mức đầu tư mạo hiểm.
3 ví dụ đơn giản phía trên đủ cho bạn hiểu rằng, không có một việc gì là xấu khi nó trong tầm kiểm soát, hay chính xác hơn là số vốn hợp lý. Đánh lô, đề bằng cả năm đi làm, bằng cả gia sản tất nhiên là sai. Đem toàn bộ gia nghiệp giao vào tay bạn bè để bị bùng thì trách bạn cũng phải nhìn lại mình. Đem cả mấy chục năm tích lũy lẫn vay mượn đi mua Crypto, Coin rác hay coin đa cấp là đúng đắn sao?
Ngoài 3 ví dụ trên, việc gì trong cuộc sống cũng nên có một cái giá. Đưa ra một con số hợp lý sẽ giúp bạn “bình an” và bền vững hơn nhiều đấy. Giả sử cách đây 3 năm (2017), tôi mua bitcoin bằng toàn bộ số tiền mình có. Cứ làm ra được bao nhiêu tiền lại mua hết, lời lãi trong trade cũng dùng để mua hết. Gần như lúc đó chỉ mong muốn thật giàu có. Tôi có may mắn rời khỏi thị trường với một chút lãi nhẹ, nhưng tôi đánh giá rằng những hành động ngày đó hoàn toàn sai lầm và thiếu kiến thức cơ bản:
Đầu tiên là không hề xác định loại hình đầu tư là gì, nên bỏ bao nhiêu vốn là hợp lý. Thấy cơ hội làm giàu, ngon ăn là mua, mua tới đồng tiền cuối cùng trong tài khoản. Tôi tin rằng đã có rất nhiều người giống tôi, và cũng sẽ còn rất nhiều người như vậy trong tương lai. Không cần bàn tới thắng hay thua, chúng ta đang mang cuộc đời của mình vào một canh bạc như vậy. Thắng lên voi, thua xuống chó không được phép tồn tại.
Người ta nói rằng: “Làm đĩ 9 phương, còn chừa 1 phương để lấy chồng”. Chúng ta cũng vậy, phải tính tới thất bại, phải chừa lại một hướng, 1 đường lùi. Cơ hội có ngon tới đâu, cũng chỉ bỏ ra một con số hợp lý. Rủi ro, thất bại, bất ngờ có thể đến bằng đủ mọi lý do không lường trước, hãy đảm bảo rằng nếu điều cực xấu xảy ra, ta chỉ lung lay thay vì gục ngã.
Hiện tại tôi vẫn giữ Bitcoin, một con số đủ để tăng trưởng thì có một chút thành quả đầu tư. Thất bại coi như 1 đầu tư sai lầm nhỏ, không tới mức đau đớn hay khốn khổ mà chỉ là buồn 1 ngày. Làm như vậy rất khó giàu, nhưng tôi sẵn sàng nhường sự giàu có đó cho người dám “mạo hiểm”.
Ngay bây giờ, tại sao tôi ít quan tâm tới các đồng tiền điện tử nhỏ, dù nó x3, x5 hay x10 hay bitcoin đã tăng 40%? Đó là bởi tôi đã quản lý vốn chặt chẽ, thì những thứ đó không còn hấp dẫn nữa.
Trong bài công thức tính lãi, tôi đã đưa ra công thức: M = V * C, trong đó M là số tiền lãi, V là số vốn và C là lợi nhuận hay sự chênh lệch. Chúng ta muốn kiếm được nhiều thì hoặc V hoặc C phải tăng lên. Những đồng coin hiện tại có C rất tốt, nhưng khi tôi không còn dám bỏ vào đó một con số V đủ lớn, thì M thu về được chẳng đáng kể. Từ đó ý nghĩa của nó trở nên nhỏ vô cùng.
Ví dụ thực tế: Với 2 Bitcoin mua ở giá 6200, hiện tại bạn lời khoảng hơn 10K$. Nhưng ở thời điểm năm 2018, Bitcoin chỉ cần tăng 300$, số tiền của bạn có thể tăng hàng chục nghìn đô, do số vốn khi đó bạn bỏ vào quá lớn. Tất nhiên nếu bạn bỏ hàng chục, hàng trăm nghìn đô để mua những đồng coin nhỏ, nó X10 thì bạn được quyền giàu sang, bởi bạn đã sẵn sàng chấp nhận cái giá cho nó. Và cũng đừng than trách nếu bạn thua canh bạc đó, bởi dám chơi dám chịu.
Giống như khi đánh đề, M = V * 99 (1 ăn 99 lần). Rõ ràng cơ hội là có, nhưng ý nghĩa lại chẳng nhiều, chúng ta chỉ có thể bỏ 100, 500k hay 1 triệu để thử đánh đề mà thôi. Do vậy, dù có trúng đi chăng nữa, cũng chẳng đi tới đâu. Nếu bạn dám bỏ 100 triệu đánh đề, nếu thành công tôi sẽ vỗ tay cho bản lĩnh của bạn. Thất bại, tôi sẽ nói rằng bạn là một thằng ngu.
Ai cũng muốn giàu sang, ai cũng muốn ăn tiền cả. Nhưng hãy tỉnh táo trước các cơ hội. Chúng ta không nhút nhát để từ chối, nhưng cũng đừng đòi ăn vã, nuốt sống cả thiên hạ. Hay như các cụ nói “dỡ nhà người ta về làm chuồng lợn nhà mình”. Thấy gì ngon, kể cả là Lan var, BTCV hay gì gì đó, muốn vào như thế nào cũng được. Nhưng cứ với con số hợp lý thôi, mọi chuyện sẽ đều ổn như trượt con đề 100K.
Không chỉ trong đầu tư mạo hiểm, các lĩnh vực an toàn hơn như vàng, nhà đất, sản xuất và kinh doanh cũng đều bền vững hơn nếu chúng ta không quá vội vã giàu. Trong cuộc sống thì cho vay, mua sắm các vật dụng, nhà cửa cũng đều đỡ khốn khổ hơn nếu ta đưa ra con số hợp với bản thân mình.
Vậy làm thế nào để có con số hợp lý:
Vị thế & chi tiết việc cần chi sẽ quyết định con số (Đọc thêm vị thế là gì ở đây). Không phải lúc nào cũng dựa theo tháng lương, phải xem bố bạn ra sao, bạn bao nhiêu tuổi, thậm chí là bố vợ bạn ra sao chứ.
- Lương 30 triệu thì bỏ 200 triệu mua một BTC đâu cần suy nghĩ quá, mua và giữ cho vui hoàn toàn chấp nhận được.
- Lương 15 triệu, nhưng bố có doanh nghiệp tháng lời hơn 2 tỷ cũng không cần đắn đo quá khi cho bạn vay 300 triệu, gần 2 năm lương chưa trừ chi phí.
- Lương 8 triệu, 22 tuổi, chưa có gia đình vợ con, bỏ hết 200 triệu tích lũy mua chứng khoán là đc phép.
- Lương 9 triệu, 33 tuổi, 2 con nhỏ, bố mẹ già ốm đem 300 triệu con vay thêm (ký quỹ) chơi Chứng Khoán thì mấy tháng sau tâm thần là bình thường.
- Bỏ cả 10 năm lương, vay mượn thêm để mua đất là rất bình thưởng, ổn. Nhưng sẽ không hợp lý nếu mua BCC hay tương tự (bitconnect – đồng tiền ảo đa cấp đã sụp đổ).
- Kỹ sư lương 12 triệu, cắm nhà đi đầu tư lan phi điệp đột biến, lúc thua lỗ không ai đồng cảm đâu, còn ăn chửi đấy.
Tôi, bạn và chúng ta đều khác nhau. Dựa vào vị thế của mình mà lựa chọn, đừng thấy người ta bỏ bằng này tiền làm gì đó cũng bắt chước, bởi khi sai, họ ổn còn bạn liệu ổn không? Tôi thường nói vui rằng, không có tiền thì đừng đánh bạc. Đó là vui mà thật, bởi khi lỗ, người ta vẫn rất ổn, còn bạn thì thành kẻ phá hoại, tội đồ. Mong rằng những chia sẻ này giúp bạn tĩnh tâm lại, bài bản hơn trong tài chính, để điều xấu có xảy ra, ta vẫn còn thở được.
Hoài Phong