Nội dung
- 1 Nuôi không phải là Hiếu
- 2 7 yếu tố làm nên một người con hiếu thảo
- 2.1 1. Đảm bảo đời sống vật chất cho cha mẹ
- 2.2 2. Có một gia đình ổn định và con cái quy củ
- 2.3 3. Có sự nghiệp hoặc thu nhập ổn định
- 2.4 4. Sống tử tế, không khiến cha mẹ buồn lòng
- 2.5 5. Làm rạng danh dòng họ hoặc hoàn thành tâm nguyện cha mẹ
- 2.6 6. Đóng góp cho cộng đồng, xã hội
- 2.7 7. Chăm sóc, quan tâm và hiện diện
- 3 Hiểu sai chữ hiếu là phổ biến – Làm đúng mới là khó
- 4 Chữ “An” – Là cốt lõi của chữ “Hiếu”
- 5 Hiếu không phải là từ để nói, mà là con đường để đi
Khổng Tử từng nói về lý tưởng của đời người bằng ba điều ngắn gọn nhưng thấm đẫm nhân sinh:
Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi
Người già thì yên lòng, bạn bè thì tin tưởng, người trẻ thì mến thương.
Cuộc đời một con người nếu gói trọn được trong ba điều ấy thì chẳng còn gì gọi là chưa trọn vẹn.
Trong ba điều ấy, chữ “An” dành cho người già – cũng là cha mẹ – được xếp đầu tiên. Không phải vô cớ. Bởi đó không chỉ là nền móng của gia đình, mà còn là gốc rễ đạo lý làm người. Nhưng hiếu thảo không đơn thuần là yêu thương, mà là mang lại sự an lòng – một cảm giác sâu lắng hơn cả tình yêu, hơn cả sự chăm sóc.
Nuôi không phải là Hiếu
Một người con cho cha mẹ ăn mỗi ngày, đó có phải hiếu không? Không, đó chỉ là nuôi dưỡng thể xác, như nuôi cây hay nuôi thú cưng – nếu thiếu đi lòng kính trọng.
Một người kính trọng cha mẹ, đó là bước gần hơn với chữ hiếu. Nhưng vẫn chưa đủ, nếu chưa làm được điều quan trọng nhất: làm cha mẹ an lòng.
Hiếu không phải là nghĩ về cha mẹ, mà là hành động để cha mẹ được an ổn.
7 yếu tố làm nên một người con hiếu thảo
Nếu xét một cách hệ thống, chữ “hiếu” đúng nghĩa cần đủ 7 yếu tố sau:
1. Đảm bảo đời sống vật chất cho cha mẹ
Không cần bạn trở thành tỷ phú, nhưng người già cần có tiền và cảm giác được chủ động với tương lai. Tiền là sự chuẩn bị cho ốm đau, tuổi tác, cho cả những nỗi sợ không tên. Cha mẹ bình an thế nào được khi trong túi không có gì để phòng thân?
2. Có một gia đình ổn định và con cái quy củ
Kết hôn, sinh con, nuôi dạy bài bản – đó không phải là điều xã hội ép buộc, mà là điều khiến bậc sinh thành không còn lo nghĩ về thế hệ sau. Bạn có thể nói rằng bạn tự do, nhưng nếu sau tuổi 32 vẫn không một mái ấm, không một kế hoạch rõ ràng, liệu cha mẹ có thể ngồi yên?
3. Có sự nghiệp hoặc thu nhập ổn định
Người già thường giấu lo trong lòng. Dù bạn không nói ra, nhưng nếu sự nghiệp bạn bấp bênh, nợ nần triền miên, cha mẹ sẽ không thể ngủ yên dù bạn có chăm họ mỗi ngày.
4. Sống tử tế, không khiến cha mẹ buồn lòng
Không uống rượu say xỉn, không vi phạm pháp luật, không sống buông thả – đó là những điều bảo vệ danh dự và thể diện của cả một gia đình. Bạn có thể biếu cha mẹ tiền, mua cho họ vàng bạc, nhưng nếu bạn lên báo vì cờ bạc, gây tai nạn, hay bị chửi rủa trên mạng… thì mọi thứ đều đổ vỡ.
5. Làm rạng danh dòng họ hoặc hoàn thành tâm nguyện cha mẹ
Cái vui lớn nhất của người làm cha mẹ không gì sánh bằng thấy con mình nên người, có danh tiếng, có đóng góp, có thành tựu. Nếu có thể, hãy hoàn thành những giấc mơ dở dang của họ – dù chỉ là một điều nhỏ. Đó là món quà không thể mua bằng tiền.
6. Đóng góp cho cộng đồng, xã hội
Cha mẹ thường không nói ra, nhưng họ tự hào vô hạn khi con mình sống có ích cho đời. Một việc làm tử tế với xã hội là một bó hoa thầm lặng đặt vào lòng cha mẹ.
7. Chăm sóc, quan tâm và hiện diện
Cuối cùng, điều tưởng chừng đơn giản lại bị quên lãng nhiều nhất: dành thời gian cho cha mẹ. Ngồi bên họ, nghe họ nói, chiều theo sở thích của họ, ngay cả khi nó trái với gu của bạn – đó là biểu hiện của một tình yêu trưởng thành và trọn vẹn.
Hiểu sai chữ hiếu là phổ biến – Làm đúng mới là khó
Rất nhiều người ngộ nhận rằng hiếu là nghĩ về cha mẹ. Nhưng nghĩ thôi chưa đủ. Phải hành động, phải hy sinh, phải sửa mình.
Lấy vợ muộn, nghèo kéo dài, sống thiếu kỷ luật, làm cha mẹ phải giải quyết hậu quả – tất cả đều là biểu hiện của bất hiếu dù bạn có “yêu bố mẹ” đến mấy.
Thậm chí:
- Vượt đèn đỏ để rồi bị tai nạn → cha mẹ đau lòng
- Làm ăn thất bại triền miên → cha mẹ lo lắng
- Lên mạng gây thị phi → cha mẹ mất mặt
Những điều ấy đều là nghịch, chứ không phải hiếu.
Chữ “An” – Là cốt lõi của chữ “Hiếu”
Người già cần một điều duy nhất: bình an và ổn định.
Không phải xe xịn, tiền tấn, nhà cao. Mà là cảm giác họ có thể nhắm mắt bất cứ lúc nào mà không còn gì phải lo.
Bạn càng bất ổn, càng nghèo khó, càng mông lung – họ càng giữ tiền. Đừng trách họ thực dụng. Họ chỉ đang gánh hộ sự bất an của bạn mà thôi.
Vậy nên, nếu muốn làm người con có hiếu:
Hãy rút điện thoại ra, chuyển tiền cho cha mẹ một khoản nhỏ.
Rồi tự hỏi: “Tôi đã sống thế nào để cha mẹ có thể yên tâm được chưa?”
Hiếu không phải là từ để nói, mà là con đường để đi
Làm con là một hành trình không bao giờ đủ, nhưng cũng không nên bị trì hoãn. Hãy sống sao để mỗi lần cha mẹ nghĩ về bạn, họ cảm thấy an lòng. Không phải bởi bạn nói giỏi, hay bạn yêu họ nhiều. Mà bởi bạn đã sống đúng mực, tử tế và vững vàng.
Chữ hiếu bắt đầu từ trái tim, nhưng kết thúc trong hành động. Và chữ “an” – chính là nơi chữ hiếu hóa thành viên mãn.
— Hoài Phong
Xuân Thiện
Anh Phong có thể cho em xin tư vấn chọn trường cấp 1 cho con được không, nên học trường công hay trường tư ở HN
Admin
Tuỳ vào hoàn cảnh của em, cái nào cũng có ưu và nhược điểm. Nếu muốn nhàn dài hạn thì trường công, nếu đầu tư thật sự nhiều cho con cái (Không chỉ là vật chất) thì cũng có một vài trường tư ổn.