Nội dung
- 1 Không cuốn sách nào thật sự hay cả
- 2 Tư tưởng cổ, tôn giáo, triết học – tiếp cận thế nào cho đúng
- 3 Học không phải tìm phép màu – học là tích lũy
- 4 Ba nguyên tắc phản biện thông tin
- 5 Một vài ví dụ vui để luyện phản biện
- 6 Học cách chắt lọc thông tin giữa hỗn độn
- 7 Tại sao bạn dễ bị lừa?
- 8 Tạm kết (không kết luận)
Trong phần đầu của chuyên đề cải thiện việc học, HP đã nói đến việc “nhét thông tin vào đầu“. Nhưng đó mới chỉ là bước nền tảng – giống như việc gom đủ đất, nước, xi măng trước khi xây một căn nhà.
Học không chỉ là ghi nhớ. Nếu dữ liệu chỉ nằm yên, không được phản biện, sàng lọc, cấu trúc và áp dụng – thì nó chỉ là gánh nặng, không phải tài sản.
Không cuốn sách nào thật sự hay cả
Mạnh Tử từng nói:
“Tận tín thư, tắc bất như vô thư.”
(Tin hoàn toàn vào sách, thà rằng đừng có sách còn hơn.)
Đó là lời cảnh tỉnh. Một cuốn sách – dù viết bởi bậc trí giả, cũng giống như một cái cây.
Không phải cái gì cũng ăn được. Có lá, có vỏ, có cành – việc của người học là gạn đục khơi trong, tìm lấy phần lõi. Mỗi người sẽ thu được phần lõi nhiều hay ít tùy vào hiểu biết, hoàn cảnh, và nhu cầu của họ.
Hãy xác định vài điều trước khi đọc bất kỳ tài liệu nào:
- Không cuốn sách nào hay từ đầu đến cuối. Nếu bạn đọc một cuốn sách mà rút ra được 2–5 ý giá trị, vậy là đủ.
- Không có cuốn sách nào hoàn toàn đúng với bạn. Hoàn cảnh mỗi người khác nhau, không thể có công thức dùng chung cho tất cả. Đừng vứt bỏ một cuốn sách chỉ vì nó không hợp với bạn.
- Không cần đồng ý với tất cả, nhưng cũng không nên từ chối tất cả. Nghe cái đúng, bỏ cái sai. Lọc ra những điều phù hợp để giữ lại – đó là học.
Tư tưởng cổ, tôn giáo, triết học – tiếp cận thế nào cho đúng
Khổng Tử, Lão Tử, Phật Giáo, Thiên Chúa, Kinh Thánh, các trường phái tâm lý, triết học hiện đại…
Mỗi thứ đều có điểm lỗi thời. Mỗi thứ cũng có phần tinh hoa.
Cái dở là bỏ qua toàn bộ chỉ vì vài phần bất hợp. Cái dở hơn nữa là thu nhận hết mà không phản biện gì cả.
Học giống như lấy thuốc.
Không phải cái gì cũng là thuốc của bạn. Có khi là độc nếu dùng sai cách.
“Cắt nó thành từng bài thuốc cho đúng căn bệnh của mình.”
Học không phải tìm phép màu – học là tích lũy
Bạn nên từ bỏ tư tưởng học được một lần là giỏi.
Học không phải kho báu chôn dưới đất, đào một nhát là lộ ra.
Học là lượm nhặt mỗi ngày, mỗi nơi, mỗi lúc.
Áp dụng các phương pháp đã đề cập trong phần 1 – đó là nhét dữ liệu vào đầu, càng đa dạng càng tốt. Nhưng rồi bạn phải xử lý nó thành tri thức có ích. Cách xử lý tốt nhất chính là sự phản biện.
Ba nguyên tắc phản biện thông tin
- Trái với tự nhiên = sai.
- Trái với bản năng gốc của con người = sai.
- Không hợp lý = sai.
Một vài ví dụ vui để luyện phản biện
Ví dụ 1: Oxy là kẻ giết người thầm lặng
“Con người chết sớm vì hấp thụ Oxy – chất độc ăn mòn cả sắt thép. Cây sống lâu vì thải Oxy và hấp thụ CO₂. iPhone chạy bền vì không hít thở. Vậy muốn sống thọ, đừng hít Oxy nữa.”
Lập luận này nhìn qua thì rất logic, nhưng lại vi phạm quy tắc tự nhiên.
Con người sống bằng Oxy – loại bỏ nó là loại bỏ cả sự sống. Logic sai từ gốc rễ.
Ví dụ 2: Học là con đường thành người
“Nói với con rằng học thì mới thành người – là cách giáo dục tốt.”
Nghe có vẻ đúng, nhưng lại vi phạm quy luật bản năng.
Bản năng con người là ham vui, thích thoải mái. Nếu bạn không làm cho việc học trở nên hấp dẫn, đứa trẻ sẽ không tiếp nhận.
Chìa khóa là tạo hứng thú, không phải dán nhãn đạo đức lên hành động.
Ví dụ 3: Lãi 20 triệu mỗi tháng từ 100 triệu vốn – không cần làm gì
“Đầu tư 100 triệu, mỗi tháng có 20 triệu, không cần làm gì.”
“Mua điện thoại 20 triệu được tặng ngay 25 triệu tiền mặt.”
Thông tin này vi phạm nguyên tắc hợp lý.
Không có gì dễ mà lại nhiều tiền.
Không ai tự dưng tốt với bạn.
Không có phép màu xuất hiện quá nhanh.
Nếu bạn không kiểm tra hợp lý, bạn sẽ bị lừa.
Học cách chắt lọc thông tin giữa hỗn độn
Bạn thấy bài viết nói uống nhiều nước giúp giải độc, da đẹp.
Người khác nói uống nhiều nước sẽ hỏng thận vì thận phải lọc nhiều.
Giữ lại ý nào?
Dùng nguyên tắc hợp lý và tự nhiên: uống vừa đủ, không quá, không thiếu. Cái gì “quá” cũng sẽ gây hại.
Bạn thấy người chạy bộ mỗi ngày rất khoẻ, rồi có người khác lại nói chạy nhiều gây hỏng khớp gối.
Câu trả lời vẫn là như trên:
Vừa phải. Tự nhiên. Không thái quá.
Tại sao bạn dễ bị lừa?
Vì bạn thiếu kiến thức nền để phản biện.
Bạn dễ tin nếu nghe thấy logic có vẻ hợp lý, trong khi không có khả năng kiểm chứng.
Học phản biện không phải để tranh cãi – mà để bảo vệ bản thân khỏi thông tin độc.
Tạm kết (không kết luận)
Bạn học được từ đâu?
Từ con ong, con kiến.
Từ người bán phở, người thợ hồ, từ kẻ tù tội đến người thành đạt.
Chỉ cần bạn biết cách nạp – và biết cách lọc.
Nạp nhiều, lọc mạnh, giữ lại cái lõi. Thế là học.
Hoài Phong
TuanND
cảm ơn bác vì bài viết, nhất là đoạn