Giao tiếp là cách con người ra trao đổi thông tin, gửi đến nhau lời yêu thương hay câu chửi nào đó. Dù như thế nào cũng nên học cơ bản về giao tiếp để cuộc sống này tốt đẹp hơn, để yêu hay ghét đều có văn hóa .Trong chủ đề “Ứng xử và giao tiếp cơ bản”, HP giới thiệu cho các bạn một chút về quy tắc sử dụng từ “bạn”.
Trước hết, “bạn” chỉ nên sử dụng trong giao tiếp khách sáo hoặc văn viết. Nó không phải là một từ hợp lý để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là ngôn ngữ nói.
Trong bài này xin được đề cập đến xưng hô trong giao tiếp. Nếu như Tiếng Anh nhạt nhẽo với: I and U thì tiếng Việt phong phú và hấp dẫn hơn với đủ loại:
Tôi, Mình, Anh, Em, Cháu, Con, Chú, Cô, Bác, Cậu, Mợ rồi hay hơn nữa là Mày, Tao, thậm chí cao hơn nữa là Bố mày. Hoặc ngôn ngữ đặc trưng các cụm nhóm diễn đàn như Voz với: Thím, OF: Cụ, Mợ, Webtretho: Các mẹ, Các diễn đàn như Tinhte thì lại : Bác, em v.v. Chỉ kể sơ sơ đã có hàng chục loại đại từ nhân xưng.
Về cơ bản cá nhân mình thấy phải sử dụng nhiều như thế mới diễn tả được mối quan hệ phức tạp lằng nhằng của xã hội. Việc chọn ngôi trong giao tiếp rất quan trọng. Như mọi người biết, mình là nhân vật hư cấu không chính xác tuổi. Nhưng tất nhiên mình không hề trẻ, và cũng không đến nỗi quá già.
Khi bình luận, chat tại sao mình hay sử dụng “Em” mà ít khi nhìn xem những người đang chat với mình là ai, bao nhiêu tuổi? Đó đơn giản là phong cách của một người phục vụ, đã là người phục vụ thì luôn phải ở “cửa dưới”, dù đó là phục vụ cộng đồng miễn phí. Khi các bạn ra ngoài xã hội cũng như vậy, nếu là người phục vụ, hãy luôn là người cửa dưới.
Có những người thực sự hơn tuổi, đó là xưng anh/em đúng nghĩa. Đối với những người tinh tế, khi không biết rõ tuổi, Mình xưng em người ta cũng xưng em, ví dụ như cặp:
Em – Bác / Em – Cụ / Em – Mợ
Đó là sự tôn trọng cho cả 2 bên. Như đã nói ở trên, khi người đối diện xưng em vì tôn trọng, bạn cũng cần học cách làm thế để được đánh giá cao và cuộc trao đổi mới trở nên tốt đẹp hơn.
Đối với một người tinh tế, không bao giờ người ta chủ động xưng anh khi không biết chính xác người đối diện bao nhiêu tuổi, hãy học điều này.
Bạn cũng là một cách xưng hô, bạn còn để chỉ tình bạn. Do vậy sử dụng từ bạn khó hơn rất nhiều so với các cách xưng hô bên trên.
Một chút chia sẻ kinh nghiệm tạo ấn tượng đẹp trong mắt phụ nữ: Nếu bạn muốn làm quen một cô gái mà bắt đầu bằng: “Chào bạn” coi như thất bại. Hãy đặt mình vào cô gái, một câu mở đầu không chỉ nhạt nhẽo mà nó thể hiện việc không có kiến thức giao tiếp cơ bản của người con trai. Nếu bạn muốn chiếm lấy trái tim phụ nữ, hãy đứng ở phía trên cho họ ngước lên, đừng bao giờ kéo mình xuống ngang chứ chưa nói xuống thấp hơn.
Tương tự như vậy, nếu bạn ra đường, chỉ bằng câu: “Bạn ơi, mình nhờ tí”, “Bạn ơi, cho mình mượn cái bật lửa” có khi đủ khiến bạn mất mạng nếu đen. Nếu đủ tầm, hãy là anh: Cho a mượn cái bật lửa. Nếu không đủ hãy nhẹ nhàng: A cho em mượn cái bật lửa 1 chút. Đôi khi bạn sẽ khiến nhiều người khó chịu khi xưng bạn, bởi một lẽ đơn giản: Người ta đánh giá: “Mày tuổi gì mà dám xưng bạn với tao, ý mày là mày ngang tao”.
Từ bạn là vậy, thiêng liêng, ý nghĩa và thú vị nên hãy sử dụng một cách đúng nhất nhé.
Bạn đi nhờ vả người khác chẳng hạn, bạn ít nhất phải biết đặt mình cửa dưới: Chào a, Chào chị, chứ nói chào bạn thì không ai nhiệt tình đâu. Nó là học giao tiếp cơ bản, kể cả trong cuộc sống. Muốn nhờ vả, hãy cứ đặt mình vào cửa dưới.
Bạn bán hàng mà hỏi rằng: “Bạn muốn mua gì?” là kém hơn rất nhiều: “Anh/chị muốn mua gì?” Hay là: “Em muốn mua gì” cũng đều tốt hơn.
Hãy hạn chế cách xưng hô “bạn” như đã nêu nhé. Bạn sẽ cải thiện được rất nhiều trong những mối quan hệ cộng đồng, giao tiếp xã hội đó. Tới đề thi còn phải đổi từ: Bạn hãy cho biết thành Anh (chị) hãy nêu cảm nghĩ về … là biết rồi.