Tôi từng đặt một câu hỏi: Rốt cuộc thì những người giàu có nhất, quyền lực nhất hành tinh này tham vọng của họ là gì?
- Sự xa hoa của vật chất? Có lẽ không phải, nó chỉ là phần nhỏ.
- Sự đam mê công việc, bị nghiện làm việc và chỉ muốn đạt đến đỉnh cao cảnh giới của bản thân. Muốn vượt qua mọi giới hạn của chính mình. Đây cũng có thể là một mục đích có thể chấp nhận.
- Một sở thích bệnh hoạn, nơi mà mạng sống của những người khác chỉ như những trò giải trí. Nó được kích thích cực độ bởi sự tàn sát đấu đá lẫn nhau. Bạn có thấy những trận đấm bốc có bao nhiêu máy bay tư nhân tới xem là hiểu. Cũng không rõ có tới mức như mấy bộ phim về sinh tồn do giới nhà giàu tạo ra không, có thể còn hơn cả phim.
- Mục đích cao thượng: Giúp thế giới phát triển hơn, văn minh hơn.
Về cơ bản mỗi chúng ta đa phần tóm tắt trong mấy câu thơ của cụ Chế Lan Viên:
“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”
Còn thật khó để biết, những trí thức bậc nhất ngoài kia đang mong muốn điều gì. Nhưng chắc chắn chúng ta có thể chia thành 2 nhóm:
- Nhóm vì các mục đích ích kỷ của bản thân.
- Nhóm vì sự phát triển của toàn cộng đồng
Xã hội không được vận hành bởi một cá nhân, mà là tập hợp của rất nhiều các cá nhân. Tại bất kỳ thời điểm nào, cả 2 nhóm trên cũng luôn đan xen nhau. Nó như câu nói: Đạo cao một thước, ma cao một trượng.
Hãy cứ hình dung trong một quốc gia, khi đưa ra một chính sách: Sẽ luôn có người thuộc nhóm đầu tiên: Chính sách sao cho mình hưởng lợi nhiều nhất. Cùng lúc đó, cũng luôn có nhiều người nghĩ tới những chính sách sao cho xã hội phát triển tốt nhất. Sự trỗi dậy của nhóm ích kỷ sẽ kéo lùi sự phát triển của cộng đồng đó. Nhưng quy luật của sự tân tiến và phát triển là tất yếu, do đó sự cản trở của nhóm ích kỷ chỉ làm gia tăng thời gian xảy ra của các quy luật. Chứ nó vẫn phải xảy ra. Nhưng nhóm ích kỷ sẽ không biến mất, họ sẽ chuyển đổi qua một hình thái khác để hưởng lợi.
Về cơ bản, cả 2 nhóm đều là tinh hoa tri thức. Không có chuyện một nhóm có thể xóa hoàn toàn nhóm kia. Người ta vẫn “đồn” rằng, giới tài phiệt thao túng toàn thế giới. Từ chính trị, tới văn hóa, giải trí. Những câu chuyện về thế giới ngầm luôn là một chủ đề hấp dẫn. Tôi cho rằng, điều này là có thật. Họ nằm trong nhóm ích kỷ trên. Họ muốn duy trì, gia tăng mãi mãi những quyền lợi, lợi ích mà mình đang được hưởng. Nhưng cũng chắc chắn rằng, có nhiều người vẫn đang thật sự cống hiến cho sự phát triển chung.
Ở các quốc gia phát triển, rõ ràng thuế thừa kế rất cao đã và đang được áp dụng. Nó là minh chứng hùng hồn cho việc không có chuyện những người giàu có chi phối hoàn toàn mọi thứ. Hãy tưởng tượng, bạn đang là người giàu nhất và có toàn quyền định đoạt mọi thứ, bạn rất ích kỷ và tham lam. Bạn có đưa ra quy định về việc khi đưa tài sản cho con mình, nó sẽ phải chịu thuế lên tới 60% chỉ nhận về 40%.
Có vẻ như những chuyện này chẳng liên quan gì đến bạn. Đương nhiên, bởi bạn chưa thấy rõ vấn đề. Tôi sẽ giúp bạn hiểu rằng, tại sao nó có ý nghĩa quan trọng với mỗi chúng ta.
Cuộc sống của chúng ta bị chi phối hoàn toàn bởi 2 nhóm trên. Ban đầu, sẽ luôn luôn là nhóm ích kỷ chiến thắng. Nhưng sau cùng, nhóm vì cộng đồng sẽ đạt được thành công. Quy tắc cứ như vậy lặp đi lặp lại. Bạn ứng dụng điều này ra sao?
Hãy bám đuôi theo nhóm ích kỷ, nhưng nhận thức rõ ràng rằng mọi thứ không mãi mãi, nó sẽ kết thúc. Phải rời khỏi nó trước khi bạn bị nhóm vì cộng đồng tiêu diệt.
Một ví dụ ở Việt Nam: Giá bất động sản tăng trưởng rất mạnh. Nó tạo ra siêu lợi nhuận cho rất nhiều người. Việc dùng thuế làm giải pháp ổn định giá chắc chắn sẽ diễn ra. Trước khi nó diễn ra, dù bạn có kêu gào chửi bới, những người đu theo vẫn cứ giàu lên khủng khiếp. Bạn hoàn toàn có thể đu theo, nhưng phải luôn cảnh giác rằng những việc mình đang làm đi ngược quy luật của sự phát triển. Tới 1 thời điểm, bạn phải nhảy ra, trước khi chính bạn cũng bị nhấn chìm. Sự quyết liệt, tâm huyết và đổi mới của lãnh đạo có ảnh hưởng tới thời gian của các thay đổi. Một lãnh đạo thiếu quyết tâm, bạn có thể thoải mái hơn, nhưng hãy cẩn thận với các lãnh đạo có bàn tay thép. Bởi chỉ sau 1 đêm, bạn có thể tan nát cả sự nghiệp đầu cơ (đầu tư) của mình. Bạn còn nhớ câu chuyện công ty BĐS lớn nhất TQ nhưng dễ dàng “toang” chỉ sau 1 quyết định chứ. Nó có lãi và tăng trưởng liên tục cho tới ngày vỡ nợ vì đảo chiều chính sách.
Cuộc đấu tranh giữa nhóm ích kỷ và nhóm vì cộng đồng dựa trên 2 lí tưởng:
- Nhóm ích kỷ: Mục tiêu không làm vẫn có ăn, quyền lợi duy trì mãi mãi.
- Nhóm vì cộng đồng: Bất cứ ai cũng phải lao động, chỉ cần ngừng việc lao động là dù bao nhiêu của cải cũng sớm tiêu tan.
Tiền không tự sinh ra và mất đi, nó chỉ chuyển từ người này sang người khác. Khi bạn không lao động, nhưng vẫn muốn có ăn, đương nhiên bạn phải tìm cách lấy nó từ người khác. Tiền bạc bạn làm ra, chúng được được chuyển hóa thành các dạng dưới đây:
- Các nhu cầu ăn uống, vật chất cơ bản như quần áo, giày dép.
- Tiền mặt, gửi tiết kiệm
- Tài sản có giá trị lớn nhất nhì (ở hầu hết các quốc gia): Bất động sản.
- Tài sản đầu tư: Chứng khoán, vàng, bitcoin v.v
- Động sản có giá trị: Xe cộ.
- Đầu tư làm ăn, sản xuất kinh doanh
Nó cũng thể hiện rất rõ ràng trong tổng giá trị tài sản toàn cầu: BĐS cao nhất, sau đó tới chứng khoán, vàng và bitcoin. Chắc chắn rồi, bạn sẽ luôn phải để phần lớn tiền trong nhóm tài sản phía trên. Do đó, nếu tìm cách lấy được tiền từ những hạng mục phía trên, chắc chắn sẽ lấy được tiền của bạn.
Xét trong 6 mục trên, chỉ có thể dễ dàng ăn cướp tiền từ bạn thông qua mục 3 và 4. Nếu không chống được đầu cơ BĐS, sức lao động của bạn dù có nỗ lực tới đâu, cũng chỉ mang tới lợi ích phần lớn cho người đã nắm giữ. Khi tình trạng bạn làm ăn tới đổ mồ hôi, sôi nước mắt đều thua lợi nhuận lô đất, đương nhiên người người nhà nhà đi đầu tư. Chúng ta không thể (và không nên) khuyên mọi người hãy đi sản xuất kinh doanh, đừng phân lô bán nền nữa. Bạn hoàn toàn có thể chọn việc gì có lợi cao hơn để làm.
Hầu hết các quốc gia phát triển đều từng có bong bóng BĐS. Và đương nhiên đó là những giai đoạn mua được lô đất thì chấp mọi việc đi làm. Nhưng rồi mọi thứ cũng kết thúc, không thể dựa vào việc ôm một lô đất là cuối đời khỏi phải làm ăn, con cháu an nhàn được nữa. Giá đất ở khu vực lõi vẫn tăng, nhưng đó là cuộc chơi của những tinh hoa thừa tiền, tiền không phải vấn đề. Còn với giá BĐS dành cho số đông, nó đã trở về hợp lý. Không còn dễ dàng cướp đi công sức lao động của người khác thông qua đầu cơ BĐS. Việt Nam có như vậy không? Trong tương lai chắc chắn có, nhanh hay chậm nhưng là điều tất yếu.
Vàng: Từ xa xưa, nhất là ở châu Á, vàng luôn là lựa chọn phòng thủ tốt. Nắm giữ vàng nhìn tổng quan ra, nó đúng nghĩa phòng thủ. Tức là thay vì không làm vẫn có ăn, lợi lộc lớn thì nó chủ yếu là không làm vẫn không tụt hậu quá nhiều. Trong cục bộ, vàng có thể tăng sốc. Nhưng nhìn tổng quan toàn quá trình (chia đều nhiều năm), vàng cơ bản chỉ đủ giúp bạn bớt hao hụt tiền khi không chịu làm ăn gì.
Tiền gửi tiết kiệm: Với lãi suất thực âm (Lãi suất < Lạm phát), đương nhiên bạn không thể không làm mà vẫn có ăn. Bạn sẽ bị bào mòn và thụt lùi liên tục. Ở Việt Nam, lãi suất là dương nếu so giữa lãi suất và rổ CPI công bố của nhà nước. Đương nhiên bạn thấy không hề có chuyện đó, cầm tiền hao hụt đi rất khủng khiếp. Lí do là bởi rổ CPI của nhà nước cấu thành phần nhiều từ thực phẩm, y tế, giáo dục cơ bản, xăng dầu, điện thứ mà biến động không quá khủng khiếp. Ngoài BĐS biến động đột phá ra, về cơ bản lãi suất ở VN không tệ. Các bạn có thể tìm đọc lại bài CPI (lạm phát) của H.P để rõ hơn vấn đề này.
Chứng khoán: Tài sản có giá trị thứ 2 toàn cầu sau BĐS chính là chứng khoán (Gấp hơn 15 lần vàng, bằng 1/3 BĐS). Thật tuyệt vời, đây chính là công cụ lừa tiền của bạn tốt nhất sau khi việc ăn cướp thông qua BĐS thất bại. Bản chất của chứng khoán không xấu, nó là phát minh vĩ đại của nền kinh tế. Khi bạn góp tiền vào TTCK, bản chất bạn đã mua cổ phiếu 1 công ty làm ăn. Tức là bạn hoàn toàn có tham gia vào quá trình “làm” ra tiền chứ không chỉ ngồi chơi có tiền, thông qua ủy quyền cho công ty làm việc. Nhưng đó là mặt lành mạnh, thực tế đa số các nhà đầu tư chưa bao giờ quan tâm quá nhiều về số tiền công ty tạo ra. Thứ họ cần là cổ phiếu tăng giá, từ đó có thể sang tay cho người khác và kiếm về lợi nhuận. Các nhà đầu tư đều kỳ vọng có thể mua đáy, bán đỉnh và ăn tiền của người khác. Nếu như mức lợi nhuận của công ty làm ra là 1 đồng, thì mức lợi nhuận nhờ việc bán đỉnh cho người khác có thể lên tới 10 – 20 đồng. Rõ ràng công ty chỉ làm ra 1 đồng, số tiền kia cơ bản là lấy từ nhà đầu tư khác. Với vốn hóa rất lớn, thanh khoản dễ dàng. Chứng khoán đang là kênh hàng đầu cho việc ăn cướp công sức của người khác. Việc tham gia TTCK hoàn toàn tốt, dù bạn tham gia với mục đích đầu cơ hay đầu tư. Chỉ xin 1 điều, bạn đừng chửi khi thua lỗ. Bởi lúc bạn lãi, thì cũng có người khác lỗ. Bạn mua đáy là có người cắt máu tại đáy, bạn bán đỉnh thì cũng có một người đu phải giá cao. Đó là cuộc chơi, mình muốn ăn người thì cũng đừng khóc khi người ăn mình.
Bitcoin: Tương tự như chứng khoán nhưng Bitcoin không tự tạo ra bất cứ lợi nhuận gì. Toàn bộ lợi nhuận bạn có được là nhờ việc bán lại cho người khác. Mặc dù số tiền lợi nhuận của chứng khoán thực sự tạo ra từ sản xuất kinh doanh là nhỏ, nhưng nó là có. Bitcoin ưu điểm hơn chứng khoán bởi tính toàn cầu của nó. Ngoài ra, nó cũng không hề có sản xuất kinh doanh gì, đây là 1 ưu điểm rất lớn. Bạn không cần lo: Sếp bê bối, công ty gian lận, công ty lỗ, công ty giảm doanh thu, công ty tăng trưởng chậm v.v. Thật là một công cụ hoàn hảo cho mục tiêu không làm vẫn có ăn. Hãy ghi nhớ điều này, nó không tốt, nhưng chúng ta chưa bao giờ có quyền quyết định, hãy tham gia vào dòng chảy. Và cũng áp dụng quy luật của chứng khoán: Đừng chửi khi thua, bởi bạn cũng muốn vào để ăn tiền người khác. Tôi chỉ có một hi vọng duy nhất rằng, khi Bitcoin đã đạt được niềm tin, cũng chỉ là 1 sản phẩm của cuộc chơi có lẽ nên đổi sang PoS thay cho PoW. Chúng ta đã lãng phí 1 lượng năng lượng khổng lồ cho những việc vô ích. Chỉ là thêm 1 công cụ để chúng ta sát phạt nhau thôi mà.
Tất cả những hoạt động mang tính chất không làm mà vẫn có ăn, có 1 đặc trưng rất “đa cấp”. Sự tăng giá của nó phụ thuộc vào sự fomo của cộng đồng. Khi lòng tham nổi lên, 1 lượng tiền lớn được đổ vào tạo ra cầu rất mạnh. Sau đó cầu giảm dần + sự chốt lời của từng nhóm đầu tư. Lúc này giá quay đầu giảm dần về mức bình thường. Mức mà người ta sẵn sàng nắm giữ để đợi 1 nhịp “ăn cướp” tiếp theo. Đó là gốc rễ của cơn sốt, hay bong bóng trong các vụ đầu tư. Bạn đã lý giải được tại sao giá coin biến động lớn như vậy, hay công ty chỉ giảm lợi nhuận 1% so với cùng kỳ (Không phải lỗ), cổ phiếu giảm tới 25% chưa. Diễn biến giá phần lớn là sự thay đổi của trạng thái tham lam hay sợ hãi, từ đó tác động tới cung cầu.
Trở lại với quy tắc đấu tranh của nhóm vì cộng đồng và nhóm ích kỷ. Đương nhiên họ cũng tìm nhiều cách chống lại việc thao túng giá. Nhưng có vẻ như nó chẳng có tác dụng gì khi bản chất của hầu hết con người là rất tham lam. Khi nhóm này vẫn đang bế tắc trong tìm giải pháp, tạm thời chúng ta vẫn cứ nương theo nhóm ích kỷ. Nơi mà các hoạt động ăn cướp sẽ định kỳ diễn ra. Chúng bao gồm tạo ra khủng hoảng hoặc tin tức xấu để có giá thê thảm. Tạo ra bong bóng để có mức giá siêu ngáo. Chứng khoán và Bitcoin sẽ vẫn là 2 công cụ tốt nhất trong tương lai. Ở Việt Nam, tôi cho rằng BĐS phải thực sự cẩn trọng.
P/S: Việc tôi không thích BĐS bao gồm 2 lí do: Khác với Bitcoin và chứng khoán, không chơi người ta giàu thì kệ. BĐS tăng giá ảnh hưởng tới chất lượng c/s của mọi người dân. Nhìn thử căn nhà 15 tỷ ở Hà Nội đi, thứ bạn có là cảm giác giàu có, đâu phải sự giàu có thật sự. Nếu bạn không nói về giá, bạn lấy gì để khoe căn nhà đó? Còn việc rủi ro từ BDS là có, tôi cảm nhận có sự quyết tâm từ thế hệ lãnh đạo mới của đất nước. Có thể mọi thứ sẽ nhanh hơn bạn tưởng.
Tôi từng chia sẻ rằng, sẽ rất thành công nếu bạn mua đáy bán đỉnh. Còn không, hãy chọn một công cụ đủ tốt (Cổ phiếu & Bitcoin) và chờ tới con sóng bong bóng (cú lừa tiếp theo). Chỉ cần thành công ở giá bán, cơ bản hiệu suất của bạn cũng rất tốt rồi.
Chúng ta không thể thay đổi thế giới, chúng ta chỉ có thể thích nghi với thế giới. Chúng ta cũng không hờn dỗi vì cuộc sống này bất công, bởi phần đời sống của chúng ta quá ngắn. Có lẽ còn không bằng 1 phần 1 triệu cái chớp mắt của vũ trụ. Do đó trong khoảnh khắc đó, mọi thứ chưa thể đột ngột chuyển sang tốt hơn. Chúng ta cũng không sống đủ lâu để chờ chân lý trở thành điều tất yếu, chúng ta chỉ có thể nương theo để có một cuộc đời tươi đẹp.
Tổng kết: Chúng ta nên nương theo sự ích kỷ, cảnh giác với sự tất yếu. Hãy hiểu bản chất của việc không làm mà vẫn có ăn. Và đương nhiên sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi cuộc chơi. Sự tất yếu rất dễ dàng tìm ở các quốc gia phát triển hơn. Thời gian sẽ đưa tất cả về sự phù hợp và tiến bộ.
Có rất nhiều nhóm ích kỷ ở quy mô nhỏ, ví dụ như việc xây một trường đại học hay một bến xe. Có thể vì lợi nhuận của họ hơn toàn xã hội, nhưng ở quy mô lớn, hãy bám sát những thứ thuộc về cuộc chơi của giới tinh hoa đã nêu ở trên. Nhất định là 1 phần trong nhóm có lợi ích bạn nhé.