Nội dung
Danh sách con trai của Tào Tháo lên tới 25 người. Nhưng được nhiều người biết đến nhất đương nhiên phải kể tới:
- Tào Phi – Ngụy Văn Đế, người phế Hán Đế và lập ra nhà Tào Ngụy
- Tào Thực – Nổi tiếng với tích “bảy bước làm thơ”
- Tào Xung – Điển tích cân voi khi mới 6 tuổi
- Ít nổi tiếng hơn có thể kể tới: Tào Chương, Tào Vũ…
Bộ ba “Tam Tào” gồm Tào Tháo – Tào Phi – Tào Thực đều rất giỏi văn chương, thi phú. Chuyện kể về họ thì ba năm cũng không hết. Nhưng hôm nay, H.P chỉ xin chia sẻ một chủ đề đáng để suy ngẫm dịp cuối năm:
Tào Phi cho rằng: Chỉ có văn chương mới là sự nghiệp vĩnh cửu.
Danh vọng, thân xác, vật chất rồi sẽ biến mất theo thời gian. Chỉ văn chương – tri thức – mới lưu truyền ngàn đời.
Ông cũng có tư tưởng cực kỳ tiến bộ: “Ai cũng phải chết, chết là hết.” – Trong bối cảnh các bậc vua chúa lúc ấy còn mê tín, ham tu tiên hay tìm thuốc trường sinh.
Đối lập hoàn toàn là Tào Thực – người từng được Tào Tháo cân nhắc lập làm Thái Tử sau khi Tào Ngang và Tào Xung mất. Tào Thực lại cho rằng công danh chính trị mới là sự nghiệp thực sự. Văn thơ chỉ là thú chơi lãng mạn.
Trớ trêu thay, thiên hạ lại nhớ tới Tào Thực bằng văn chương, còn Tào Phi – người coi trọng văn chương – lại để lại di sản chính trị là việc thành lập nhà Ngụy.
Ngày cuối năm – Hãy cùng nhìn lại
- Ai rồi cũng phải chết – điều không cần phải tranh cãi.
- Vậy điều gì là quan trọng nhất trong hành trình một con người?
Một cuộc đời đơn giản, bình an, hạnh phúc – có thể đã là đủ. Nhưng nếu “tham” hơn một chút, có lẽ ta nên để lại một di sản nào đó.
Thứ gì đó chứng minh rằng: “Tôi từng tồn tại trên đời này – và không trôi vào hư vô.”
5 con đường để lại dấu vết sau khi chết
1. Văn chương – Tri thức – Tư tưởng
Tri thức – nếu là thứ sáng tạo, của riêng bạn – sẽ sống mãi.
Đó có thể là:
- Một bài thơ, một bản nhạc
- Một công trình nghiên cứu
- Một phát minh khoa học
- Một lý thuyết bạn xây dựng và lan tỏa
Không phải bạn học giỏi là có tri thức. Chỉ khi bạn sản xuất – sáng tạo – điều chỉnh cái gì đó có giá trị mới là tri thức thuộc về bạn.
2. Công danh – Chính trị – Ảnh hưởng xã hội
Người ghi tên mình vào lịch sử bằng công trạng hoặc tranh đấu. Với doanh nhân, đó có thể là việc xây dựng công ty, ảnh hưởng xã hội.
3. Làm việc có ích cho nhiều người
Dù không nổi tiếng, nhưng những việc bạn làm đã giúp đỡ hàng trăm, hàng ngàn người. Tên tuổi có thể mờ nhạt, nhưng tác động thì vĩnh cửu.
4. Trở thành phản diện vĩ đại
Làm người tốt đã khó, nhưng làm người xấu tới mức lưu danh sử sách cũng… không dễ.
Dĩ nhiên, H.P không cổ súy con đường này – nhưng trong lịch sử, đó cũng là một dạng “di sản”.
5. Sinh con đẻ cái
Ai cũng có thể để lại hậu duệ. Bạn không cần con cháu thờ cúng, nhưng khi họ còn sống – tức là một phần của bạn còn tồn tại. Dù sau vài thế hệ không ai còn nhắc đến tên bạn.
Có lúc nào bạn từng tự hỏi như cụ Nguyễn Du?
“Ba trăm năm lẻ ai người còn nhớ đến ta chăng?”
Ngày cuối năm, không chỉ là dịp tiệc tùng. Hãy dành một chút thời gian nhìn lại một năm đã qua – và cả một hành trình sống – để xem:
- Mình đang đi con đường nào?
- Di sản mình sẽ để lại là gì?
- Nếu chết vào ngày mai, có điều gì khiến mình vẫn còn được nhớ tới?
Về phần H.P
Vẫn đang bước đi trên con đường tìm kiếm tri thức thực sự thuộc về riêng mình.
Mời anh em đọc hai tác phẩm nổi bật:
- Phú Đài Đổng Tước – Tào Thực
- Đoản Ca Hành – Tào Tháo (rất hay theo cá nhân H.P)
Chúc anh em một năm mới nhiều sức khỏe – vững tâm trí – và có cho mình một con đường rõ ràng để không sống uổng kiếp người.
— H.P