Phần lớn chúng ta đều nói rằng: “Sức khỏe là quan trọng nhất.”
Nhưng thực tế thì phần lớn lại dành gần như toàn bộ mối quan tâm cho… tiền.
Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Bởi ở tuổi trẻ – chúng ta thường có sẵn sức khỏe, nhưng lại thiếu tiền. Và con người ta luôn có xu hướng theo đuổi điều mình đang thiếu.
Những cuốn sách dạy kiếm tiền, những video hướng dẫn làm giàu, những bài viết của tôi chia sẻ về kinh doanh – luôn thu hút số lượng người đọc vượt trội. Trong khi những chủ đề về sức khỏe… thường bị lướt qua.
Nhưng rồi – đến một ngày, bạn sẽ chẳng còn ham kiếm tiền, chẳng còn mải mê tài sản. Bạn sẽ chỉ mong có lại chút sức khỏe để ăn ngon, ngủ yên, hít thở không đau. Và không ai tránh được ngày ấy – dù bạn là một người bình thường, là Bill Gates hay Donald Trump.
6 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe và tuổi thọ
- Di truyền (Gen)
- Những năm đầu đời (0–3 tuổi)
- Những năm tuổi trẻ (<25 tuổi)
- Sinh hoạt và ăn uống suốt cuộc đời
- Tâm trí và cảm xúc
- Niềm tin duy tâm
Đây là thứ tự ảnh hưởng từ mạnh đến yếu, nhưng tất cả đều quan trọng.
1. Di truyền (Gen): Thứ không thể thay đổi
Gen tốt không đảm bảo bạn sống thọ, nhưng nó giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh, tăng khả năng phục hồi – và từ đó kéo dài tuổi thọ.
Một nghiên cứu thực tế từng chỉ ra rằng:
Hai nhóm người cùng sinh hoạt, cùng độ tuổi – nhóm hút thuốc, uống rượu có tuổi thọ cao hơn 16% so với nhóm sinh hoạt điều độ.
Không phải vì rượu thuốc tốt, mà vì gen của họ tốt hơn.
Chúng ta không chọn được gen cho mình. Nhưng ta có thể hiểu để:
- Biết giới hạn bản thân, biết mình không phải “người không bệnh”.
- Biết định hướng lựa chọn bạn đời, hay dạy con cái chọn lựa lâu dài đúng hướng.
Các cụ xưa nói: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” – không phải vô cớ.
Mẹo nhỏ để nhận biết gen tốt: Những người già sống thọ thường có hàm răng tự nhiên rất khỏe, chậm rụng – đó là dấu hiệu “trong cốt có sắt”.
2. Những năm đầu đời: Giai đoạn quan trọng bậc nhất
Trẻ dưới 3 tuổi chưa có hệ miễn dịch hoàn chỉnh, cực kỳ dễ ốm vặt và ảnh hưởng tới sức khỏe sau này.
Nuôi con như trồng cây:
- Nếu cây giống khỏe mạnh, mọc đúng thời tiết – sau này mới ra quả ngọt.
- Cây non bị sâu bệnh từ nhỏ – dù sau này bón phân tốt đến đâu cũng khó hồi phục hoàn toàn.
Người lớn có bệnh nền, bệnh vặt suốt đời – phần lớn bắt nguồn từ những thiếu hụt trong giai đoạn đầu đời này.
3. Tuổi trẻ: Giai đoạn tích lũy thể trạng cuối cùng
Nếu 0–3 tuổi là cây giống, thì <25 tuổi là giai đoạn tạo bộ khung xương – nền tảng sức khỏe lâu dài.
Ở tuổi này:
- Tập luyện mạnh, vận động đều giúp tăng mật độ xương, tăng sức bền tim mạch.
- Cơ thể phục hồi cực nhanh, gần như “không có giới hạn”.
Hãy tận dụng “giai đoạn vàng” này để tích trữ sức khỏe cho phần đời còn lại.
Sau tuổi 25, nên giảm dần cường độ tập luyện. Giữ cơ thể ở trạng thái dẻo dai, bền bỉ thay vì cố quá sức.
Một chiếc xe không chạy thì hỏng, nhưng chạy liên tục hết ga thì cũng hỏng sớm.

4. Sinh hoạt & ăn uống: Cần cả đời để duy trì
Đừng mải tìm những công thức rườm rà, tóm lại:
Ăn và uống vừa đủ là tốt nhất.
Cơ thể con người không cần thừa dinh dưỡng. Thừa sẽ sinh bệnh, thiếu cũng vậy.
- Ăn đúng giờ
- Uống nước đủ
- Hạn chế thức ăn chế biến sẵn
- Tránh thức khuya
- Duy trì vận động mỗi ngày
Những lời khuyên này quá quen tai – nhưng chính vì quá quen, nên chúng ta hay bỏ qua.
5. Tâm trí và cảm xúc: Gốc rễ của sức khỏe
Bạn có thể ăn sạch, ngủ đúng, nhưng nếu tâm trí không an, bạn vẫn dễ sinh bệnh.
- Áp lực kéo dài gây rối loạn giấc ngủ, dạ dày, gan, tim mạch.
- Lo âu thường xuyên dẫn đến mất cân bằng hormone, tăng tốc lão hóa.
- Bị stress liên tục sẽ khiến hệ miễn dịch suy giảm mạnh.
Ngược lại, niềm vui, sự lạc quan sẽ giúp cơ thể tiết ra chất có lợi, làm chậm lão hóa.
Giữ cho mình một tâm trí bình thản, một giấc ngủ sâu, một trái tim không lo âu – đó là liều thuốc phòng bệnh hiệu quả nhất.
6. Niềm tin duy tâm: Chỗ dựa khi bế tắc
Đây không phải là mê tín. Mà là niềm tin – thứ để bạn đứng dậy sau ngã gục.
Ai rồi cũng sẽ trải qua khủng hoảng: bệnh tật, mất mát, suy sụp. Những lúc ấy, bạn cần:
- Một điểm tựa tâm linh: tổ tiên, ông bà, thần linh, hay đơn giản là đất trời.
- Một lời cầu nguyện: không phải để thay đổi vận mệnh, mà để bạn bình tĩnh lại, bớt sợ hãi.
Khi bạn tin một điều gì đó thiêng liêng – dù vô hình – bạn sẽ mạnh mẽ hơn.
Khi bạn thực sự “tín” vào một điều gì đó – bạn sẽ thấy những điều kỳ diệu xuất hiện.
Nhiều người vẫn cúng, vẫn thờ – nhưng lại không thực sự tin. Đó là điều đáng tiếc nhất.
Kết luận
Sức khỏe – là thứ chúng ta không quan tâm khi có, và chỉ khao khát mãnh liệt khi đã đánh mất.
Nếu bạn còn trẻ:
- Đừng mải phá cơ thể mình vì những điều vô nghĩa – game, thức đêm, stress vì người không đáng.
- Hãy tích lũy một cơ thể khỏe, một trái tim mạnh mẽ, một tinh thần vững vàng.
Nếu bạn đang ở tuổi trung niên:
- Hãy sống điều độ, tập chậm lại, chăm sóc giấc ngủ, tìm niềm vui.
Nếu bạn đã từng suy sụp về sức khỏe:
- Hãy tin tưởng vào phục hồi, vào lối sống mới, vào một điều gì đó lớn hơn bản thân mình.
Và nếu bạn đang khỏe mạnh, đang kiếm được nhiều tiền – xin hãy dừng một chút, tự hỏi:
“Tôi đang làm gì với cơ thể của chính mình?”
— Hoài Phong