Người ta vẫn thường nói về cái gọi là “sống là chính mình”. Có hàng ngàn bài viết, diễn văn, cả những khóa học đắt đỏ cố gắng thuyết phục bạn rằng: chỉ cần dũng cảm là đủ. Nhưng thực ra, không có điều gì sáo rỗng hơn thế. Những lời rao giảng ấy còn trống rỗng hơn cả những quy tắc đạo đức xưa cũ mà người đời vẫn khinh thường là lỗi thời.
Vì sao ư?
Vì chúng ta không thực sự được phép sống là chính mình.
Chúng ta bị bao bọc bởi đạo đức – thứ khuôn đúc nên những “người tốt” không làm điều gì “khác thường”. Bị giới hạn bởi lễ giáo – nơi cái nhìn của người khác quan trọng hơn chính cảm xúc của mình. Và bị giam hãm bởi luật pháp – thứ sợi dây vô hình mà nếu vượt qua, ta không còn là người tự do nữa.
Khát khao được sống là chính mình – đó là một điều có thật. Nó ở trong mỗi chúng ta. Âm ỉ, lặng lẽ, có khi nổi loạn và cháy bỏng, nhưng luôn có. Nó nằm ở một nơi rất sâu bên trong, nơi ít ai dám nhìn thẳng.
Nhưng…
“Sống là chính mình” – có lẽ đó chỉ là một giấc mơ.
Câu chuyện thứ nhất – Về người đàn ông đã dám mơ
Anh là người mà bất kỳ ai cũng từng ao ước được như vậy: đẹp trai, thông minh, thành công, có một gia đình viên mãn. Cha là đại gia bất động sản, anh không chỉ thừa hưởng nền tảng mà còn xây dựng công ty riêng từ năm 26 tuổi. 29 tuổi lấy vợ, 2 đứa con xinh như tranh vẽ. Một cuộc đời hoàn hảo.
Nhưng chính trong cái khung hoàn hảo đó, anh bắt đầu vỡ vụn. Năm 34 tuổi, anh đọc triết học Hy Lạp. Rồi anh đọc tôn giáo. Rồi anh lặng im. Rồi anh biến mất.
36 tuổi – anh bỏ lại tất cả: tài sản, vợ con, người cha quyền lực. Anh biến mất như chưa từng tồn tại. Không lời nhắn. Không lời giải thích.
14 năm sau, anh trở về. Không còn ai nhận ra con người từng là anh. Già nua, đen đúa, rách rưới. Vợ anh đã nuôi con một mình suốt 14 năm trời – không tha thứ. Cha mẹ già – không còn sức để trách mắng.
Ba năm sau, anh chết. Trong chính ngôi nhà giàu sang của mình. Giữa những người thân yêu, nhưng không ai thực sự còn gắn bó. Anh ra đi bằng ý chí, với nụ cười, nhưng cô đơn đến tận giây phút cuối cùng.
Anh đã được sống là chính mình – nhưng cái giá phải trả là tất cả.
Câu chuyện thứ hai – Về người con gái đã chạm vào tự do trong thoáng chốc
Họ quen nhau ở khu ổ chuột, nơi nghèo khó và hoang dại. Anh hơn cô 9 tuổi, từng cứu cô trong một lần trốn chạy bọn xấu – cái dao sau lưng anh ngày ấy là khởi đầu cho mọi thứ. Anh đẹp trai, chững chạc, điềm đạm, mạnh mẽ. Và giờ thì giàu có.
Họ yêu nhau, sống như mơ, hạnh phúc kiểu phim Hàn. Anh cưng chiều cô hết mực. Nhưng rồi một lần du lịch nước ngoài, anh về trước một ngày vì công việc. Cô lang thang chơi một mình buổi tối, tham gia trò chơi cộng đồng cùng đám sinh viên trẻ.
Cái nắm tay bất ngờ trong trò chơi ấy, nụ cười vô thức khi nhìn vào ánh mắt một người xa lạ, làm cô xao xuyến. Cô đã có một đêm không giống bất kỳ đêm nào trước đó.
Cô vẫn yêu anh, rất yêu. Nhưng cô nhận ra, có những nụ cười không bao giờ giống nhau. Và đôi khi, sự tự do thật sự không nằm ở những gì đẹp đẽ, mà ở chính sự ngẫu nhiên không bị ràng buộc.
Và có khi nào… bạn cũng như họ?
Có lúc nào bạn muốn vứt bỏ hết? Bỏ công việc, bỏ áp lực, bỏ cả cái “hình ảnh bản thân lý tưởng” mà bạn đang mệt mỏi duy trì?
Có thể bạn chỉ muốn mặc sexy hơn, sống táo bạo hơn, không cần sống để làm hài lòng ai. Hay bạn chỉ muốn làm phụ hồ, chạm tay vào vôi vữa cho chân thật, hơn là ngồi gõ bàn phím với chiếc cà vạt ngột ngạt.
Ai trong chúng ta rồi cũng từng muốn sống một đời chân thật, dù chỉ trong một khoảnh khắc.
Nhưng rồi, như cơn gió, cảm xúc ấy qua đi. Ta quay về với thực tại – nơi đồng lương, con cái, cha mẹ, trách nhiệm… bủa vây.
HP không có giải pháp. HP chỉ thấy rằng con người ta sống là chính mình luôn là điều nói thì dễ, làm thì gần như không thể.
Nhưng HP cũng tin rằng: Nếu ta yêu quý thời gian, trân trọng từng phút giây thanh xuân, thì ít nhất, sự tiếc nuối sẽ ít đi một chút.
Và có lẽ, trong những giây phút hiếm hoi ấy, khi ta dám thở, dám mơ, dám khóc, dám sống – ta đã chạm được vào chính mình. Dù là trong thoáng chốc.
Bởi hạnh phúc thực sự, có khi chỉ là được làm chính mình, cho dù điều đó khiến cả thế giới quay lưng.