Có những khi bạn xem mấy phim về xã hội đen, các ông trùm này nọ, bạn sẽ thấy được sự lì lợm, lạnh lùng và cả bản lĩnh trong họ. Rất ít người có được tính cách đó ngay khi sinh ra. Hoàn cảnh sẽ khiến họ trở lên như vậy, bạn rồi cũng như thế thôi, chỉ là ở độ tuổi nào. Hoài Phong sẽ kể vài câu chuyện của mình ngày tuổi trẻ.
Sinh ra trong một gia đình có 8 người con, HP là con thứ 7. Kinh tế nhà HP thuộc loại trung bình khi đó, cũng không phải quá hoàn cảnh hay hộ nghèo gì. Nhưng 8 người con đi học với 2 bố mẹ làm nông dân thì có vất vả chút, hơn so với các gia đình khác. Về cơ bản thì việc lao động cũng tương đối mệt nhọc (cả bố mẹ và con cái), nhưng nó không đáng được dùng 2 chữ: Hoàn cảnh. Từ đó để dành cho nhiều số phận chua chát hơn nhiều.
Mỗi anh chị em chỉ cách nhau 2 năm, năm HP vào đại học cũng là lúc 1 chị gái khác bước sang năm thứ 3, 1 chị nữa học năm cuối (Do thi lại một năm để đổi trường). Với mức thu nhập nông thôn, gánh 3 người con đi học ĐH thật sự khá nặng nề. Nhưng vấn đề mấu chốt xuất phát từ việc “kẹt sóng – đu đỉnh” BĐS của bố HP vào giai đoạn 2008. Đó cũng là giai đoạn lãi suất ngân hàng cao kỷ lục. Cùng bố mẹ lao động mỗi ngày khi còn ở quê, HP thừa hiểu cái vất vả của bố mẹ. May mắn thay, đợt đó có chính sách cho sinh viên vay tiền đi học với lãi suất rất nhỏ, lại không cần trả gốc vội. Đây chính là nguồn tài chính vô cùng quan trọng để 3 chị em có tiền đi học. Nhưng về cơ bản thì cuộc sống của gia đình vẫn rất căng, lãi suất 17% đấy, 1 tháng thì trôi nhanh như chó chạy ngoài đồng.
Hết phần giới thiệu, tới phần câu chuyện. HP đi xe bus và bất cẩn để móc mất ví, trong đó có 1.2 triệu vừa lấy từ bố mẹ gửi qua xe khách. Nó móc ví, lấy tiền xong thì ném ngược hẳn ví lại trả giấy tờ (lịch sự phết). Thế là toang rồi, HP phải mượn vài người bạn để đủ đóng tiền nhà 500K. Còn tiền ăn thì chịu, đi ăn cơm nợ ngoài quán thôi. Cố chờ sang tháng sau để tằn tiện mà bù vào thôi. Mất vài tháng gồng, thì mọi chuyện cũng cơ bản đâu vào đấy. Bài học trong câu chuyện này là 1.2 triệu là con số không bé, nhưng không quá to. Việc đánh đổi 1.2 triệu cho vài tháng khổ sở với hiệu suất học tập giảm là rất dở, không học được bình thường đâu khi mà đầu còn nghĩ tiền đâu trả bạn, tiền đâu ăn cơm, tiền đâu trả tiền nợ quán cơm cả tuần rồi. Nếu HP lạnh lùng hơn chút, cứ báo điều đó với bố mẹ, bố mẹ sẽ vất vả hơn một chút, nhưng về tổng quan nó sẽ lợi hơn.
Phần thứ 2, gay cấn hơn chút. HP tham gia một hội sinh viên tình nguyện (theo tinh thần tập đú, việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng). Những giai đoạn đầu thành lập của tổ chức, chưa xin được tiền tài trợ và kinh phí. Theo kế hoạch sẽ có kinh phí tài trợ xuống, nhưng ngày ra quân tới nơi rồi. Thế là HP cũng một lãnh đạo hội mang thẻ SV cắm để lấy tiền hoạt động tạm (HP cũng là lãnh đạo hội, còn từng lên báo chí nữa cơ). Mà ngày đó chưa biết giá thị trường, thành ra cắm 5000/500K/Ngày. Cắm lấy có 1 triệu, tháng 300K tiền lãi. Loáng cái cũng 2 tháng trôi qua, tiền bố mẹ gửi lên 1.2 triệu, đóng tiền nhà 500K, tiền lãi 300K, tiền còn lại để ăn và làm tất cả việc khác thì mọi người thấy được độ thảm họa rồi. Sau này HP mới biết rằng mình bị lừa vụ tài trợ, tiền tài trợ đã giải ngân về nhưng người kia không hề đưa lại cho HP để rút thẻ về. Thế là HP một mình mắc kẹt trong thảm họa kia. Vẫn là 1 số tiền nhỏ, chỉ 1 triệu nhưng không dám dứt khoát xin bố mẹ, thậm chí có thể bịa ra một lý do để giải quyết cũng không dám. Không phải không dám nói dối, mà là những ngày lam lũ ở quê giờ vẫn trong da thịt, không muốn làm bố mẹ vất vả thêm tí nào nữa. Sau vài tháng, HP phải vay thêm 500K nữa, thế là nợ thành 1.5 triệu, tháng đóng lãi 450k chát lắm. 1.2 triệu, trừ 500K tiền nhà, 450K tiền lãi, vài khoản lặt vặt thì 1 tháng chắc còn 100 – 150K để ăn. Mỗi giờ đi học về, HP thường đợi quán vắng hẳn mới dám ra mua đồ ăn về ăn với cơm đã cắm ở nhà. Khó mà vui vẻ nổi khi giữa các em xinh tươi khác lại phải ăn cơm thiếu nợ. Rồi nợ cũng chẳng được nữa, nợ gần tuần rồi không dám vác mặt đi mua nữa. Bắt đầu sống khoa học hơn với một phát minh của thời đại: Gạo ở quê bố mẹ gửi lên, làm một gói đường nữa nấu cháo là sống khỏe rồi. Lâu lâu cải thiện tí vị mặn bằng một gói mì tôm, chia làm 2 bữa chứ ngọt mãi chịu không thấu. Nhiều lúc nghĩ cay đắng, nhưng rõ ràng lỗi do mình nên trách được ai. 450K kia mà để ăn thì nhòe phết.
Đừng ai đặt câu hỏi sao không đi làm thêm nhé, làm thêm không dễ kiếm thế đâu. Và HP có đi làm chứ, nhưng sẽ kể ở phần khác, phần này tới đây là đủ.
Vậy đấy, Hoài Phong vì không muốn bố mẹ vất vả thêm, nhưng lại đi vào đường cùng. Thậm chí nếu ứng xử không khéo léo, sẽ hỏng hẳn cuộc đời chỉ từ suy nghĩ “tốt lành” ấy. Ta đặt thử câu hỏi, bố mẹ đúng là đang rất khổ, nhưng liệu cố thêm dc 1 triệu không? Rõ ràng đó là sự lựa chọn đầy ngu ngốc.
Đọc đến đây, rất có thể bạn sẽ chê hay đưa ra ý nghĩ nếu là tôi, tôi sẽ … Nhưng có người con nào nhẫn tâm khiến lưng cha mẹ còng thêm chút nữa? Và đó là sai lầm của tuổi trẻ. Bạn đừng vội cười, bởi bạn sẽ mắc kẹt trong hình thế tương tự rất dễ dàng, ngay bây giờ, ngay lúc này.
Bạn có vợ và con, vì một nguyên nhân chủ quan hay khách quan bạn làm mất tiền hoặc bị suy giảm thu nhập. Bạn thương vợ, thương con, bạn sợ họ khổ, bạn gồng mình lên trong cơn lũ cuộc đời. Bạn càng gồng, càng bế tắc, bạn cho rằng mình cần mạnh mẽ, mình có thể khổ chứ vợ con không được phép ảnh hưởng. Nghe thì rất cao thượng, chứ thực ra bạn đang mắc lỗi đúng như HP trong câu chuyện phía trên.
Có 2 nguyên tắc: Phải tàn nhẫn, phải lạnh lùng, phải đạp lên ngắn hạn dù nó làm đau người mình yêu thương nhất, là cha mẹ, là vợ con mình. Bị mắc kẹt trong ngắn hạn, càng gồng lên càng rối, thậm chí gây cả ra hậu quả.
Nguyên tắc thứ 2 là: Đồng cam cộng khổ, con bạn nên mặc một chiếc áo cũ, vợ bạn có thể dẹp hết quần áo là lượt, mỹ phẩm. Ai làm đàn ông trong hoàn cảnh đó mà không đau đớn, nhưng chỉ như vậy bạn mới giải tỏa được 2 thứ: Tâm lý và tài chính, tiền đề không thể thiếu để vươn xa.
Không chỉ khó khăn về tài chính, mà còn rất nhiều loại khác, sẽ có lúc ta phải tàn nhẫn, phải lạnh lùng vì những gì tốt đẹp hơn trong dài hạn. Trở lại với HP, ở hoàn cảnh đầy bế tắc kia, HP quyết định ra ở trọ xa tít, ở cùng 2 ông em họ. Chúng nó nói sẽ bao tiền nhà, HP chỉ cần đóng tiền ăn. Ban đầu, HP chuyển chỗ nhưng vẫn đóng lãi, ở đây không phải đóng tiền nhà thì ăn với 2 người đi làm lại hao hơn. Về cơ bản cũng chả chênh lệch ra được đồng nào, mỗi tháng đều nộp 450k đều đặn. Quyết định đổi đời, đưa cuộc đời HP sang trang mới là ở đây:
01: Bùng nợ, cứ trả nợ mãi như thế này xác định là chết. Ước tính ông kia thu vốn với lãi cũng khá lắm rồi, chắc ít rủi ro, nên cũng hơi yên tâm dù rất sợ. Được cái trọ ở khu xa hẳn, ngược đường quán cầm đồ nên cũng đỡ phần nào, dù cũng có đêm mơ đang ngủ bị chém đứt cánh tay. Đó là trải nghiệm để viết lên bài: Phương pháp giải quyết nợ nần.
02: Tàn nhẫn, lạnh lùng, chính là bài này. Không đóng lãi nữa, HP còn xin thêm tiền, trc đây là 1 triệu 2, giờ là 1tr 350k và nói bằng đó mới đủ. Không bị áp lực kinh tế, học hành cũng trôi chảy mà còn có tiền để ra net (Không phải chơi game, ngày sv HP chưa bao h chơi game) tập làm web. Thời đó đang rộ món diễn đàn bằng vBB, HP cũng xây dựng được một con lên tới 300k thành viên ngày đó. Tàn nhẫn thêm 1 chút để có được cả tâm trí và tiền bạc, đó chính là nền tảng gốc cho sự phát triển.
Tôi và bạn, chúng ta ai mà không có trái tim nóng bỏng, nhưng rồi ta sẽ lạnh lùng, đôi khi giống như vô cảm vậy. Ta phải như vậy để tiến về phía trước, để vượt qua khó khăn đầy rẫy trong suốt cuộc đời. Ta trở nên khoa học hơn, HP không nằm lại ghế đá BV để trông người nhà mà về nhà ngủ để sáng mai vào sớm sau khi mọi chuyện đã tạm ổn. HP cũng không ngại làm vợ con hay chính bản thân mình khổ một chút (miễn là đừng lâu quá) nếu xác định điều gì đó dài hạn…
Chuyện thì còn rất dài, nhưng bài nào chỉ kể đúng nội dung bài học đó. Mời mọi người theo dõi hết hoặc tự đọc trọng Cộng+ và ngẫm cũng được. Cũng cần nói rằng giai đoạn sinh viên tình nguyện là 1 giai đoạn vui, trải nghiệm thật sự (Do chơi vui chứ không phải do thiện nguyện nhé).
Kết: Bạn đang hạnh phúc thì tốt quá, nếu chưa ổn, hãy lạnh lùng và tàn nhẫn hơn chút nữa.
Thang
Có lẽ vậy, sống thật lúc nào cũng thấy căng thẳng
Trần Quang Phong
!
Nguyễn văn chiên
Đọc câu chuyện của ad mà mình cũng thấy hình ảnh mình trong đó. Ngày đó mình cũng học đại học, bố mẹ mình thì cũng đều là công nhân lương ba cọc ba đồng. Nhà gửi tiền lên cũng có lúc thiếu rồi mình tự đi vay mượn khắp nơi mà ko dám xin thêm, sợ ba mẹ vất vả thêm để rồi tâm lý nợ nần nó cứ bám lấy chả học hành dc gì mấy. Giá như lúc đó mình lạnh lùng dc thì hay, ko đến nỗi về sau có nhiều chuyện ko hay xảy ra. Nói chung chuyện cũng qua lâu rồi